Càng ngày càng có nhiều bức ảnh chụp được “ma”. Phải chăng kỹ thuật chụp ảnh là một chiếc chìa khóa để đi tìm lời giải về “thế giới ma”?
Những “vị khách không mời”
Thời gian gần đây, nhiều bức ảnh có sự xuất hiện của “ma” ở trong được công bố làm kinh ngạc nhiều người. Tuy nhiên thực chất từ hàng chục năm trước, đã có những người chụp được ảnh ma.
Cuốn sách 157 hiện tượng bí ẩn trên thế giới của NXB Thanh Niên cho biết: Một người tên là Ma-rơ-bai đã gặp trường hợp hồn lìa khỏi xác. Ông đã từng chụp ảnh với một vị thân sĩ có địa vị ở Luân Đôn. Chụp ảnh xong, ông thấy bên phải của người thân sĩ lại còn một bóng người, tuy lờ mờ nhưng nhìn kỹ thì phát hiện ra một nhân vật khác, ông lại phóng rửa cẩn thận, mang cho thân sĩ xem, và hỏi ông thân sĩ đã thấy người ấy chưa. Người thân sĩ vừa xem đã nhận ra ngay là người em chú bác đã xa cách lâu ngày, đang làm ở nước Đức, đã mấy năm không có thông tin qua lại, dường như ông đã quên mất.
Nhưng người thân trong nước Anh thì chỉ có một mình người thân sĩ. Nhưng điều kỳ lạ nhất là, chiều hôm đó, người thân sĩ nhận được bức điện từ Béc-lin gửi về, báo cho ông rằng em ông đã qua đời. Như vậy, có thể từ nơi xa xôi nghìn dặm, trong thời gian ngắn ngủi mấy phút đồng hồ linh hồn người em vị thân sĩ đã trở về cố quốc để gặp người anh em của mình.
Nhiều bức ảnh xuất hiện "hồn ma" gây kinh ngạc. Ảnh minh họa
Ngoài những “con ma”, nhiều bức ảnh người ta lại thấy cả các gương mặt lạ là những người vẫn còn sống nhưng họ ở cách xa địa điểm chụp ảnh cả ngàn dặm. Vẫn tài liệu nói trên kể rằng: Có một luật sư người Anh, đồng thời là một nhà nhiếp ảnh nghiệp dư tên là Ja-met, nhân có kỳ nghỉ 6 tuần lễ đi du lịch Nam Phi, mang theo chiếc máy ảnh hiệu “Lan-da” và đã chụp cả thảy 120 kiểu ảnh.
Sau khi tráng phim Ja-met phát hiện thấy có 17 kiểu xuất hiện các khuôn mặt đặc biệt hoặc hình người trong suốt, xung quanh như bị trùm một màn khói mỏng.
Kiểm tra tỉ mỉ, ông thấy trong 17 tấm có 8 tấm hiện hình người, là một đám đông thổ dân, mà những thổ dân đó khi chụp ảnh ông không nhìn thấy. Ja-met lại dùng kính hiển vi để soi thì thấy trong đám thổ dân có một phụ nữ bế đứa trẻ con. Đó là vợ của người mà Ja-met chọn thuê. Người phụ nữ và đứa trẻ đó ông đã gặp mặt trước lúc chụp ảnh một lần ở một nơi cách chỗ chụp kiểu ảnh ấy 100 dặm Anh. Sự việc còn khó hiểu hơn nữa khi có 3 kiểu lại hiện hình người bạn của ông. Mà những người này khi ông đi du lịch Nam Phi thì họ vẫn ở lại nước Anh, vì sao họ lại xuất hiện ở trong ảnh của ông.
Không đành được, Ja-met đã đi hỏi những người bạn thì họ trả lời vì lo cho Ja-met ra vào nơi rừng sâu núi thẳm dễ gặp hiểm nguy nên họ thường xuyên nghĩ về ông và cầu nguyện cho ông.
Những bức ảnh ma là chủ đề tranh cãi chưa có hồi kết. Ảnh minh họa.
Ja-met rút ra nhận định rằng vì những người bạn lo lắng cho ông thường xuyên nên hồn họ một lúc nào đó đã rời khỏi xác mà tới Nam Phi.
Đối với hiện tượng này, năm 1963, nhà nghiên cứu Mo-ry, người chuyên nghiên cứu việc qua đời của nhân loại đã đưa ra những lý giải. Trong cuốn sách Một trăm năm đầu của tôi, Mo-ry cho rằng: "Ma là một hình thức chụp ảnh hoặc là một sự ghi chép nguyên chất nào đó trong môi trường do ánh sáng tạo ra. Ông đem quá trình đó đối chiếu với nguyên lý chụp ảnh và nói: “Tuy sóng ánh sáng qua quá trình xử lý nào đó, có thể ghi lại nhưng không thể hiện ra được, trên phim vẫn chỉ là một màu trắng trống rỗng. Tôi cho rằng, hồn ma chẳng qua cũng chỉ như vậy…".
Một điểm nữa là ma chỉ có thể xuất hiện trong phạm vi hữu hạn nào đó. Nếu như hồn ma đột nhiên mất đi, thì đại khái cũng có thể vì một cơn gió thổi tan đi những hạt nhỏ của không khí mà trên đó được giữ hình ảnh. Ngoài ra còn có một điểm tương tự với chụp ảnh là, ma dường như cũng “phai màu” dần theo sự lưu chuyển của ánh sáng, và số lần xuất hiện giảm dần. Đến cuối thời kỳ tồn tại thì ma chỉ còn có thể xuất hiện trong hoàn cảnh rất đặc thù của bầu khí quyển, như trước lúc giông tố”.
Ảnh “ma” ở Việt Nam
Ở Việt Nam, những nhà nghiên cứu về tiềm năng con người như Nguyễn Phúc Giác Hải, Chu Phác... từng tuyên bố nhiều lần chụp được những bức ảnh có vòng tròn sáng mà ở Việt Nam quen gọi là "ảnh chụp vong".
Một trong những kỷ niệm về chụp ảnh "vong hồn" của ông Hải là ở ngôi nhà ma nổi tiếng trên đèo Prenn ở Đà Lạt. Báo Petrotimes dẫn lời ông hải kể lại rằng: Hôm đó thời tiết hơi ẩm, ông Hải dùng máy ảnh chụp lại toàn bộ ngôi nhà, mục đích chỉ để lưu niệm. Hôm sau, ông có đưa phim cho một nhân viên văn phòng đem rửa ảnh để tặng mọi người. Kiểm tra lại thì ông phát hiện ra một tấm ảnh có vòng tròn màu trắng lốp bằng đầu ngón tay dưới góc bức ảnh. Nhà ngoại cảm Dương Mạnh Hùng khi đó cũng có mặt và reo lên: “Chú Hải, chú đã chụp được một linh hồn”.
Một bức ảnh chụp "vong" của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải. Ảnh: Petrotimes
Sau lần này, ông Hải tiếp tục có nhiều thực nghiệm khác nữa để nghiên cứu về vấn đề chụp ảnh vong hồn. Phương pháp của ông là đến những nghĩa trang, nhà tang lễ và những điểm đen giao thông để quay phim và chụp nhiều ảnh. Khi chụp ảnh ông chụp liên tiếp nhiều ảnh ở cùng góc độ và những góc độ khác nhau ở những tiêu cự khác nhau. Kết quả là ông đã chụp được rất nhiều ảnh có những vòng tròn sáng xuất hiện.
Ông Hải cho rằng những vòng tròn kỳ lạ xuất hiện hoàn toàn không phải là do lỗi ống kính. Đối với những bức ảnh do một số người khác cung cấp, ông cũng khẳng định không phải là trò kỹ xảo.
Một thời gian dài, có rất nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh những bức ảnh "chụp vong". Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể – Tâm – Trí khẳng định trên tờ Petrotimes: “Đó hoàn toàn không phải là hình ảnh của người âm. Thế nên, nếu nói về những vòng tròn ấy, tôi cho rằng những nhà nghiên cứu Việt Nam không nên nghiên cứu thêm về nó nữa mà hãy giành cho những việc khác, có ý nghĩa hơn".
Ông lý giải: "Đây chỉ là sự phản quang trong quá trình chụp ảnh có dùng đèn flash máy ảnh. Có thể chỉ một hạt bụi li li trong không gian, một giọt nước mưa, giọt sương khi gặp ánh sáng flash sẽ phản quang để ra những vòng tròn với muôn hình muôn vẻ”.
Ở góc độ của một chuyên gia về ảnh, ông Mai Sĩ Xuân Lâm cho rằng những đốm sáng chẳng qua là một hiện tượng quang học rất bình thường khi có đủ 3 yếu tố: Nước, sương (giọt nước li ti từ cực nhỏ đến lớn như hạt mưa); kính (gương) hoặc thấu kính; ánh sáng.
Để chứng minh, ông Lâm đã tiến hành thực nghiệm trên máy ảnh của mình. Cụ thể: Để tái hiện lại những vòng tròn sáng trên, trước tiên, cần có những giọt nước bám trên bề mặt kính (hoặc thấu kính máy chụp hình), có ánh sáng hắt ra từ phía xa. Khi điều chỉnh ống kính máy ảnh ra xa khỏi cảm biến ảnh (điều chỉnh tiêu cự), ở góc độ nào đó ta sẽ làm nhòe giọt nước thành một đốm sáng nhỏ mờ ảo. Tiếp tục chỉnh tiêu cự, những đốm sáng dần bị phóng to lên rất tròn và đều đặn.
Tùy vào góc độ của máy ảnh với giọt nước sẽ cho ra các hiệu ứng ánh sáng khác nhau và độ nhòe của giọt nước cũng khác nhau. Những đốm sáng to màu trắng và màu vàng là một hình phản chiếu của 1 giọt nước khác trong không trung bị đèn xe, hoặc đèn quảng cáo phản chiếu vào gương, đi qua thấu kính và đến cảm biến ảnh của máy chụp hình.
Những bức ảnh có sự xuất hiện của ma được công bố và cả những bức ảnh chụp vong ở Việt Nam thời gian qua chứng minh cho sự hiện diện của một “thế giới ma” là có thật hay đó chỉ là một trường hợp ánh sáng đặc biệt do tự nhiên trong những điều kiện cụ thể tạo ra? Cuộc tranh luận đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Chính vì vậy, công chúng nên có cái nhìn thật tỉnh táo và dựa trên cơ sở khoa học để tiếp nhận. Trong khi mọi việc chưa đi đến hồi kết cần phải cảnh giác với những kẻ lợi dụng điều này để lừa đảo vụ lợi.
Theo Trần Vũ (Người Đưa Tin)
Bạn đang đọc bài viết: Đi tìm nguyên nhân của những bức ảnh ma gây 'xôn xao'
Liên hệ quảng cáo: Homin.lu@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: Homin.lu@gmail.com